Chuyện phiếm 17-1

Các đoạn kể lể sau đây hoàn toàn với mục đính nói chuyện cho vui với bạn FB của MAT, post public. Bạn nào thích xin xem tiếp, không thích thì cho qua ...

Danh xưng ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ ...

Trong xã hội, mỗi người đóng góp những dịch vụ mà mình có khả năng, và người đó kiếm tiền từ dịch vụ của mình. Cái dịch vụ làm ra tiền đó là "nghề". Nhà nghề, (hay professional) trong 1 lãnh vực nào, có nghĩa là người được xã hội và người chung quanh công nhận và thù lao cho khả năng, dịch vụ anh/chị ta làm. Nếu chị A hát hay, kiếm tiền bằng đi hát thì là ca sĩ nhà nghề. Nếu anh B hát cũng hay không kém, nhưng anh hát khi vui, không lấy thù lao thì anh B không phải ca sĩ nhà nghề, xin tạm gọi là ca sĩ tài tử (amateur). Các nhà làm văn nghệ trên các lãnh vực khác cũng vậy: nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, thi sĩ vv ...

Trong xã hội có 1 số nghề mà muốn được danh xưng và hành nghề, phải có 1 cơ quan quản lý nghề công nhận: ví dụ bác sĩ y khoa, luật sư, kỹ sư ... Thường thì phải hành nghề mới có danh xưng có giá trị pháp lý, có quyền ghi danh xưng đóng dấu trên những văn kiện pháp lý, và phải đóng tiền hàng năm để giữ cái danh xưng đó.

Người viết bài này, khi được gọi là "nhạc sĩ" thì thấy rất là áy náy. Nếu đi học nhạc, thì có khi học lớp 1 cũng bị rớt ngay, vì nghe không ra note, không nhận ra nhịp. Nhưng vì có viết nhạc và phổ biến, nên MAT cũng hay được gọi là nhạc sĩ :)  Lâu rồi, cải chính lên cải chính xuống, thì nghe thấy cũng ... quen. Đa số dùng chữ này không với ý nghĩa danh xưng, mà để chỉ vai trò: có 1 bài hát, có 1 người hát, có người viết, thì gọi người hát là ca sĩ, người viết là nhạc sĩ cho tiện đường sổ sách, chứ không lẽ viết lòng vòng là người viết nhạc nhưng không có bằng cấp, không sinh sống lãnh tiền, nhạc sĩ không chuyên (nhạc sĩ dởm, nhạc sĩ chùa, nhạc sĩ vớt vv..)

Nếu suy nghĩ "thoáng" như vậy thì tôi (à chữ "tôi" đáng ghét bắt đầu chạy vào cho tiện câu chuyện) khi nghe danh xưng "nhạc sĩ" sẽ thấy bớt áy náy, miễn là luôn luôn phải nhắc nhở mình là ... đừng có ham mà tưởng thiệt. Cái khác biệt cơ bản là nhạc sĩ thiệt thì viết nhạc kiếm ra tiền, còn "nhạc sĩ vớt" thì phải bỏ tiền ra thực hiện và phổ biến, năn nỉ người hát, người nghe thì nhạc mới được nghe. Phải tránh cái ảo tưởng là mình có tài, có 1 cảm nhận nghệ thuật đặc biệt, khác người v.v. ..

Cái sân chơi nghiệp dư hoàn toàn khác với sân khấu chuyên nghiệp.

Bình đẳng nghệ thuật

Khi xưa, muốn là ca sĩ, nhạc sĩ chỉ có con đường chuyên nghiệp. Có len vào được lãnh vực chuyên nghiệp thì hát mới có nhiều người nghe, nhạc mới được in, được phát thanh, in dĩa. Với Internet, văn nghệ đã được bình đẳng, dân chủ hóa. Đăng 1 bài thơ, 1 bài văn, bài hát, phát giọng ca của mình cho cả thế giới nghe ... không cần quen biết, chuyên nghiệp, không cần tốn tiền. Ai làm cũng được.

Nghe những tác phẩm chuyên nghiệp thì hay lắm, cũng như nhìn các hoa hậu thì đẹp lắm. Ai cũng muốn có 1 cái gì của mình, dù thua kém những khuôn mẫu toàn hảo. Bạn yêu mến người vợ, ngưòi chồng chia sẻ cuộc đời với bạn, chứ không lẽ cả đời bạn mơ tưởng các cô hoa hậu chân dài trên sân khấu, ngoài tầm tay với. Bạn muốn gặp những người bạn bình thưòng như bạn, cùng chia sẻ hứng thú với nhau, hay là thích các buổi tiếp tân hào nhoáng khác hẳn với những gì bạn làm hàng ngày.

Nếu anh có kiến thức về 1 ngành nghệ thuật nào đó, anh sẽ thấy 1 cái đẹp "cao cấp" hơn . Nếu anh không có kiến thức sâu rộng thưởng thức 1 cách "cao cấp", không ai cấm anh thưởng thức 1 cách "đại chúng". Nếu ta không có cao vọng nâng cao trình độ thưởng thức của mình và đại chúng, ta cũng có quyền thưởng thức. Thay vì nói tác phẩm này "hay", "tuyệt vời", ta hoàn toàn có quyền nói tôi thích, không thích, nhiều, ít ... 1 tác phẩm. Trong Internet, ta có thể hát cho nhau nghe, viết cho nhau hát, vv... Nguời nghe khi nào hứng có thể là người hát, người viết nhạc vv... Không cần có phân biệt giữa thính giả, ca sĩ, nhạc sĩ. Tất cả dựa trên ý thích, hứng thú chủ quan, trên sự ủng hộ lẫn nhau: tôi vỗ tay cho anh, anh vỗ tay cho tôi, chúng ta chỉ văn nghệ cho vui, không có cao vọng làm văn hóa. Thế đã sao đâu ?

Đem cơm nhà chơi văn nghệ ?

Bỏ tiền nhà ra chơi văn nghệ có nên không ? Xin thưa rằng, bạn bỏ tiền ra đi du lịch, để gặp bạn mới, đến những nơi xa lạ mà hàng ngày bạn không có dịp đến, để làm gì: để cuộc đời bạn thích thú, phong phú hơn. Vậy thì bạn làm nhạc, ca hát cũng làm cho bạn vui thú hơn, cuôc đời phong phú hơn, qua văn nghệ bạn gặp nhiều người bạn dễ mến, tử tế, thành thật.

Viết nhạc thì chi phí có vẻ cao hơn vì chi phí hoà âm thu thanh tỷ lệ thuận với số ca khúc thực hiện.

Còn ca hát thì chắc cần đầu tư 1 cái micro kha khá, rồi dụng cụ thu thanh, mix một lần. Hát thu mix bao nhiều bài cũng chỉ mất công ca sĩ, chứ không tốn chi phí thêm ... trừ trường hợp (ít xảy ra) là ca sĩ đi thuê studio và mixer chuyên nghiệp cho mỗi bài hát .

Chi phí của trò chơi này, đối với tôi, thì  có phần còn thấp hơn 1 chuyến du lịch. Hiệu quả kinh tế như vậy cũng khá lắm chứ.

FB Post & comments

(còn tiếp ...)

Comments

Popular posts from this blog

Karafun files (KFN)

Chương trình nhạc đầu năm: Tri ân các Tử Kỳ

Youtube Channels